Kỹ thuật tổng quát nhiếp ảnh (P.4)

2018-05-07 16:34:22 - Lượt xem: 1106



ĐỘ SÂU TRƯỜNG ẢNH

Là thuật ngữ được dùng để diễn tả vùng ảnh rõ nét - vùng trước và sau tính từ điểm nét của ảnh. Viết tắt là DOF (Depth of field). Kiểm soát vùng này bằng cách tuỳ chỉnh khẩu độ ống kính. Chẳng hạn bức ảnh dưới đây được chụp với khẩu độ f/2.8, vùng trước và sau điểm nét là trái chín đỏ bị mờ. Trong khi bức ảnh sau, khép khẩu độ xuống f/16, độ nét của ảnh sâu hơn.



[​IMG]

[​IMG]

Chiều sâu của bối cảnh trong ảnh chịu ảnh hưởng của tiêu cự ống kính. Khi bạn thay đổi tiêu cự ống kính từ ống góc rộng đến ống téle với cùng một góc chụp cùng bối cảnh, chiều sâu của ảnh cũng thay đổi. Với mỗi ảnh, người chụp di chuyển vị trí chụp để giữ đúng khung cảnh giữa các tấm ảnh sau.


Đang tải upload_2016-5-29_19-42-30.png… 

Khi bạn nhìn thấy một bức ảnh phong cảnh đẹp được treo trên tường trong một gian phòng triển lãm, trông nó có vẻ rất giống như được chụp với một khẩu độ nhỏ (trị f/stop lớn) để có được độ sâu trường ảnh càng dày càng tốt. Ngay cả trong một ngày đầy nắng, việc sử dụng khẩu độ nhỏ nhất cũng có thể đòi hỏi một tốc độ chụp chậm hơn và, do đó, phải có chân máy.

Việc này có thể dẫn đến một tình huống khó xử. Ví dụ, bạn rất muốn sử dụng tốc độ chụp cao để chụp những ảnh về hoạt động. Mà bạn muốn khép khẩu độ nhỏ để có dof dày, trông bức ảnh sắc nét hơn. Một số người sẽ chỉ sử dụng độ nhạy ISO của cảm biến cao hơn, và như vậy phải bật chức năng chụp tốc độ cao và khẩu độ nhỏ. Nhưng khi bạn tăng độ nhạy của cảm biến, thì chất lượng hình ảnh có thể giảm do nhiễu hạt nếu ánh sáng không đủ tốt. Do vậy, tuỳ hoàn cảnh mà quyết định.

Bạn không thể có được hết mọi thứ, do đó bạn phải chọn những gì quan trọng nhất với mình. Ngay cả vào những ngày rực nắng trong năm, với mặt trời được chọn làm chủ thể, nếu sử dụng ISO 100, thì độ phơi sáng của bạn sẽ là 1/1000 với khẩu độ f/5.6 nhưng lại sử dụng ống tê-lê và hậu cảnh cách xa chủ thể thì cũng không thể có dof mỏng. Và giả như bạn đang chụp một trận bóng đá ban đêm với đèn chiếu yếu ớt, bạn sẽ gặp rắc rối thực sự vì cần tăng ISO lên rất cao để chụp tốc độ màn trập cao để bắt dính chuyển động, mà ISO cao thì dễ nhiễu hạt, nên khả năng khử nhiễu của thiết bị trong trường hợp này là cần thiết.

Một số ống kính có những vạch chỉ báo cho thấy ước lượng độ sâu trường ảnh hiệu quả như thế nào ứng với một khẩu độ cụ thể. Một ví dụ điển hình: với một ống kính 20mm được thiết đặt f/11 và khoảng cách lấy nét được ước lượng khoảng 1,5 mét, thì độ sâu trường ảnh sẽ mở rộng từ hơn 3m cho đến vô cực Sử dụng một ống kính 400mm được thiết đặt ở f/4, thì độ sâu trường ảnh với khoảng cách lấy nét được thiết đặt khoảng 10m sẽ ít hơn một chút.

Nên nhớ bạn có thể sử dụng độ sâu trường ảnh một cách sáng tạo bằng cách dùng khẩu độ lớn để tách riêng chủ thể. Chủ thể bạn chụp sẽ rõ nét nổi bật trong khi phần còn lại bao quanh trong bức ảnh vẫn giữ được độ mờ nhòe rất thú vị. Cũng vậy, với một ống kính góc rộng và khẩu độ nhỏ, hầu hết mọi thứ trong bức ảnh của bạn đều có thể sắc nét, giúp bạn có thể làm đầy khung hình và tách riêng chủ thể ở tiền cảnh, trong khi vẫn giữ được một cảm quan về cảnh chụp với một hậu cảnh sắc nét. Tóm lại, f-stop càng nhỏ, bạn càng có được độ sâu trường ảnh dày. Nhưng hãy luôn nhớ sử dụng một tốc độ chụp phù hợp với chủ thể bạn muốn chụp.


BỐ CỤC

Phần này đang đề cập đến một “nhãn quan” đối với một bức ảnh. Nhiếp ảnh là nhìn một thứ gì đó dưới dạng một hình ảnh và ghi nhận nó một cách thú vị và sinh động. Nếu chủ thể không có nội dung để bắt đầu với nó, bạn chẳng cần gì phải đưa thêm vào làm gì cho người xem thắc mắc. Nếu các màu sắc và hình dạng của chủ thể không bổ sung cho nhau, thì ngay cả những đường dẫn cũng chẳng ích gì cho bạn. Những thứ kia có mặt là nhằm giúp bạn tạo ra tối đa những gì bạn nhìn thấy và chụp ảnh. Nếu không ngừng nhìn xem và suy nghĩ, bạn sẽ chẳng thể nào có được những bức ảnh tuyệt vời.

Lên bố cục cho các bức ảnh của bạn một cách đúng đắn, nói một cách đơn giản, là làm ra một bức ảnh hài hòa. Việc này được thực hiện dễ dàng trong hầu hết các trường hợp. Thi thoảng, đơn giản chỉ là dựng đứng máy ảnh lên để chụp, khác với dạng thức chụp thông thường là cầm ngang máy ảnh để chụp phong cảnh .

Điều quan trọng là phải suy nghĩ thực sự về bức ảnh mình chụp và đừng quá sa vào các chi tiết kỹ thuật. Điểu này nghe có vẻ đạo đức giả, bởi vì phần chủ yếu của tập sách này đang bàn đến những phương diện kỹ thuật của nhiếp ảnh KTS, nhưng điều cốt yếu là hãy hiểu rằng khía cạnh kỹ thuật hiện hữu là nhằm giúp bạn có dịp thể hiện óc sáng tạo của mình. Nếu không nắm vững đầy đủ các cơ bản về sắp xếp bố cục, thì dẫu bạn có tiến bộ mấy về mặt kỹ thuật chăng nữa, các bức ảnh bạn chụp sẽ luôn thiếu đầu hụt đuôi.

Để khởi sự, hãy táo bạo và đưa toàn bộ chủ thể lọt vào ống ngắm của bạn. Nếu chủ thể thích hợp với một bức ảnh dọc, hãy chụp theo chiều đứng. Nếu chủ thể phù hợp với một bức ảnh ngang, hãy chụp theo kiểu nằm ngang. Lúc mới chụp ảnh, khi xem lại những bức ảnh vào cuối ngày, bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra các chủ thể đều nhỏ hơn khung hình bạn đã chọn. Khi nhìn qua ống ngắm, bạn phải luôn đinh ninh trong đầu mình là đang nhìn vào mọi thứ nằm trong ống ngắm. Hãy lưu ý đến những gì chung quanh chủ thể và tự hỏi liệu chúng có đóng góp được gì thêm cho bức ảnh bạn đang định chụp hay không.

Một trong những ưu điểm của máy ảnh compact KTS, mà hầu hết máy ảnh D-SLR đều không có, đó là có thể dùng màn hình LCD ở mặt sau máy ảnh như một ống ngắm. Tôi nhận thấy người ta có khuynh hướng lên khung các bức ảnh của họ tốt hơn nhiều, khi sử dụng màn hình LCD, bởi vì họ có thể xem thấy toàn bộ bức ảnh. Màn hình LCD nhỏ đến mức mắt bạn không đảo ra ngoài khung hình được. Khi bạn nhìn qua một ống ngắm được thiết kế theo kiểu mắt thường, thì mắt bạn dễ đảo qua đảo lại và, do đó, không xem xét được hết khung hình.

Khi chụp một bức chân dung cận cảnh, bạn hãy tìm cách thử nghiệm cách lên khung của mình. Không phải lúc nào chủ thể bạn chụp cũng nằm giữa khung hình và nhìn thẳng vào máy ảnh. Có thể khi chụp con gái của bạn, chẳng hạn, thì có thể là thú vị hơn khi bố cục ảnh với cô bé ở bên trái hoặc bên phải, hay ngay chính giữa bức ảnh. Đến đây, mỗi khi bắt đầu lên khung cho các bức chân dung, bạn đã bắt đầu lên bố cục tốt cho các bức ảnh của bạn được rồi.

Vào thời Leonardo da Vinci, các họa sĩ mới bắt đầu nảy nở tài năng đã có quy tắc một phần ba được nhắc đi nhắc lại cho họ tại trường nghệ thuật. Tôi tự thấy các quy tắc thật là chán ngắt, nhưng buộc phải chấp nhận đây là một quy tắc thực sự rất hữu ích đối với những người học chụp ảnh.

Nhìn qua ống ngắm và ngẩm chia cảnh chụp thành ba phần ngang và dọc, như một kiểu ô chữ. Những điểm có các phần giao cắt nhau là những vị trí mà mắt thường tự nhiên nhận ra khi nhìn vào một bức ảnh. Do đó, thật hợp lý khi bạn tìm cách đặt chủ thể vào gần một trong bốn điểm giao cắt ấy. Trường hợp chụp một phong cảnh, thì cũng tốt khi thực hành lên bố cục bằng cách đặt đường chân trời vào một trong những đường tưởng tượng. Đến đây, chúng ta cũng phải lưu ý việc giữ thẳng đường chân trời cũng rất quan trọng. Những người mới bắt đầu thường hay mắc lỗi phổ biến này nhất. Thật khó coi khi nhìn thấy một bức ảnh có đường chân trời đổ nghiêng xuống.

Thay đổi góc chụp một bức ảnh có thể làm cho nó thay đổi rất nhiều. Với những chủ thể nhỏ, chẳng hạn như một vật nuôi và những đứa bé, bạn hãy cố thấp mình cho ngang tầm với chúng. Nằm xuống và nhìn lên đứa con một tuổi của bạn đang chập chững bước đi thì sẽ có một bức ảnh đẹp hơn rất nhiều. Một bức chân dung chụp cận cảnh con chó của bạn đang ngủ trên tấm thảm sẽ được chụp đẹp hơn rất nhiều nếu bạn nằm xuống ngang tầm với nó. Chọn một vị trí năng động để ngắm có thể hữu ích cho việc chụp ảnh và làm nổi bật các bức ảnh của bạn. Đừng ngại mình quá đáng và đứng ngay phía trên chú chó đang ngủ. Việc này có thể hoặc không thể mang lại thêm điểm ngắm phù hợp; song điều chủ yếu là hãy luôn thử nghiệm và tìm cho được bức ảnh sinh động nhất.

Tôi biết mình cứ nhắc đi nhắc lại như con vẹt, nhưng hãy luôn xem lại các bức ảnh của bạn trên màn hình LCD đằng sau máy ảnh KTS. Một mẹo hay đối với các máy ảnh có màn hình LCD là có thể sử dụng nó như một ống ngắm—nếu là loại có màn hình có bản lề và có thể điều chỉnh được—bằng cách giữ máy ảnh nằm trên sàn hoặc đưa lên cao quá đầu để có thêm điểm ngắm năng động và nhìn bức ảnh qua màn hình LCD để kiểm tra bố cục của bạn. Cách này đôi khi giúp bạn có thể có được một điểm ngắm, mà nếu với ống ngắm thông thường, bạn không thể làm được khi phải lên bố cục cho một bức ảnh. Có nhiều lúc bạn càng ít linh lợi, thì lại có thể càng hữu ích đối với bạn hơn.

Nếu khung hình của bạn chứa đựng những tuyến đường rõ ràng hoặc kéo dài liên tục, như những con đường, con sông, hàng rào, những tòa cao ốc, v.v…, hãy tận dụng những đường nét ấy khi lên bố cục cho bức ảnh để hướng mắt bạn nhìn vào chủ thể chính. Việc này đặc biệt hiệu quả khi các đường nét xuất phát từ góc dưới bức ảnh. Một con đường uốn khúc quanh co, chẳng hạn, dẫn đến một ngôi nhà thờ bạn đang chụp ảnh, đều dẫn dắt ánh mắt của bạn vào giữa bức ảnh.

Một lời cuối về màu sắc trong bố cục ảnh của bạn. Thật vô ích khi tìm cách áp dụng nguyên tắc một phần ba vào đây; chính bạn phải đích thân xem xét và đánh giá màu sắc cũng như nét thẩm mỹ của những kết hợp khác nhau. Các màu sắc có thể mang lại cho bức ảnh một cảm giác ấm áp hoặc lạnh lùng, phản ánh lại cái nhìn bằng nhận thức trước đó của chúng ta về màu sắc. Một cảnh mùa đông có thể được tôn thêm bằng cách sử dụng màu xanh lơ trong bức ảnh để nó toát ra vẻ lạnh lẽo, chẳng hạn, hay một chiếc dù màu đỏ trên bãi cát vàng có thể gợi lên cảm giác ấm áp. Tuy không phải lúc nào cũng có thể đưa thêm màu sắc vào bức ảnh, nhưng hãy chăm chút với màu sắc, nếu bạn đang có ý định có cho được bức ảnh thành công.


CÂN BẰNG MÀU

Trên phần lớn các máy ảnh KTS ngày nay, người chụp ảnh có xu hướng sử dụng thiết đặt cân bằng trắng tự động (AWB). Việc này rất khả quan đối với hầu hết các chủ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tốt hơn là nên sử dụng một vài thiết đặt cân bằng trắng được điều chỉnh trước, chẳng hạn như ánh nắng, bóng râm, ánh sáng đèn huỳnh quang, đèn dây tóc, và làm cho chúng hài hòa với ánh sáng đang hiện hữu. Bạn cũng có thể tự cài đặt một cân bằng trắng thủ công (WB Preset). Việc này được thực hiện bằng cách chụp một tấm thẻ màu xám trung hòa, với việc sử dụng một tùy chọn trên máy ảnh. Bấy giờ máy sẽ thực hiện một điều chỉnh để đưa ra màu sắc rất trung thực. Ở đâu có ánh sáng ổn định, thì đấy là nơi tốt nhất để thực hiện hoàn hảo một cân bằng màu cho ánh sáng pha tạp hoặc yếu. Một mẹo hay mà tôi thường hay sử dụng nếu không chụp RAW là cài đặt thước đo độ Kelvin (một kiểu đo màu) trên máy ảnh làm cho ánh sáng đang hiện hữu theo ý mình hơn.

Đang tải upload_2016-5-29_20-7-29.png… ​

 

  • Hết 90 phần trăm các trường hợp, tính năng cân bằng trắng tự động, giống như phơi sáng tự động, đều mang lại kết quả tuyệt vời.
  • Trong các điều kiện bất thường hoặc ánh sáng bị pha tạp, hoặc nữa là với các chủ thể có màu sắc nổi trội, hãy cố gắng cài đặt tính năng cân bằng màu bằng thủ công.
  • Đừng ngại làm cho bức ảnh của bạn có màu ấm hơn hay thiên lạnh hơn một chút bằng cách cài đặt thủ công theo ý bạn.
  • Nếu bạn đang sử dụng một máy ảnh co chụp định dang RAW, thì có nhiều điều chỉnh cân bằng màu có thể được thực hiện trên máy tính sau khi chụp xong. Tuy nhiên, đừng làm biếng và dựa dẫm vào việc đó để khỏi tự tay cài đặt cho chính xác. Bạn càng điều chỉnh chính xác các thiết đặt của máy ảnh, kết quả cuối cùng sẽ càng tuyệt.


TẦM QUAN TRỌNG CỦA HẬU CẢNH

Một trong những sai lầm phổ biến nhất của nhiều người là không để ý đủ đến hậu cảnh. Khi tôi chụp ảnh, một trong những yếu tố quan trọng hơn cả mà tôi cân nhắc là hậu cảnh của bức ảnh sẽ như thế nào. Nói cho cùng, không một bức ảnh nào có thể là bức ảnh “tuyệt vời” mà không có sự đóng góp của hậu cảnh. Điều này không có nghĩa là lúc nào cũng phải có cho được một hậu cảnh hài hòa, tuy đó cũng có thể là một khởi đầu tốt. Hậu cảnh không được làm rối loạn chủ thể chính của bức ảnh, dù là trong một bức ảnh về hoạt động, một bức chân dung, hay thậm chí một bức phong cảnh. Trong nhiều trường hợp, hậu cảnh được sử dụng để bổ sung và thêm nội dung vào cho bức ảnh.

Chỉ thay đổi đôi chút góc ảnh cũng có thể mang lại nhiều lợi ích. Chẳng hạn, nếu bạn chụp ai đó đang đi giữa trời nắng và các chọn lựa hậu cảnh đều không được như ý, hãy hạ máy xuống thấp và chụp ngược lên—đây là điều tôi ưa thích nhất— hậu cảnh tốt nhất đang có trước mắt: bầu trời xanh lơ. Cũng vậy, khi thời tiết xấu, vẫn có nhiều bức chân dung tuyệt vời được chụp ngược lên với bầu trời đầy mây, u ám, ảm đạm.

Thi thoảng, khi mà hậu cảnh không được tuyệt cho lắm, thì dùng ống kính tê-lê và chụp với khẩu độ lớn. Việc này đặt toàn bộ hậu cảnh ra ngoài vùng lấy nét và giúp cho chủ thể bạn chụp nổi bật. Cũng vậy, do ống kính tê-lê có một góc thu nhỏ hơn, nên cho phép bạn có nhiều chọn lựa hậu cảnh hơn.

Bạn đang chụp cô dâu trong ngày cô ấy kết hôn. Bằng cách đưa ngôi nhà thờ ở hậu cảnh vào khung hình thay vì xoá mù mịt, bạn có thể làm cho một bức chân dung đơn điệu, chán ngắt thành một bức ảnh đẹp hơn. Trong trường hợp này, hậu cảnh bổ sung cho bức ảnh, chứ không làm phân tán hoặc áp đảo nó. Bạn phải cẩn thận đừng để cho hậu cảnh lấn lướt bức ảnh. Hãy nhớ những gì bạn đã cài đặt để chụp ảnh và sử dụng những gì chung quanh chủ thể để mang lại hiệu quả cho việc bố cục và lên khung của bạn.

Gần như không thể tiếp tục chụp ảnh tốt dần lên mà không quan tâm đến hậu cảnh là một trong những yếu tố cốt thiết nhất của chụp ảnh có bố cục tốt. Một vài bức chân dung đẹp thực sự là nhờ vào hậu cảnh tuyền một màu đen. Một số các bức tĩnh vật sinh động được làm cho đẹp thêm nhờ hậu cảnh hoàn toàn màu trắng.


Một vài điểm cần ghi nhớ trong đầu khi chụp ảnh gia đình đi dã ngoại:

  • Luôn luôn, lúc nào cũng vậy, hãy lưu ý đến hậu cảnh.
  • Khi chụp ảnh cô bạn gái của bạn tại một thành phố, đừng để cho một tòa nhà chọc trời vượt lên phía sau đầu cô bé.
  • Đừng chụp cậu em trai của bạn tại một khe núi lớn với đường chân trời vượt quá hai tai cậu bé.
  • Khi chụp bố bạn đang câu cá, hay lên khung với mặt hồ ở hậu cảnh—chứ không phải chiếc xe hơi đậu gần bên hồ.
  • Khi chụp bà cô của bạn nhân ngày sinh nhật bà, hãy bảo đảm bảng hiệu sáng choang trên lối ra vào của nhà hàng không làm cho mắt bạn lãng khỏi chiếc bánh sinh nhật.
  • Khi chụp con trai bạn đang chơi trận bóng đá đầu tiên của cháu, hãy chọn một vị trí có cảnh cây cối xanh tươi, chứ không phải khán phòng thể thao khó chịu, phía sau bức ảnh hoạt động bạn đang định chụp.
  • Khi lén chụp một cô bạn gái đang tắm nắng trên bãi biển, hãy đợi cho đến khi người đàn ông sải bước cùng với con chó của ông du khách lạ phía sau cô bạn đi khỏi đã.


CHỤP ẢNH VỚI ĐÈN FLASH

Đến thời điểm này, tôi phải hết sức thành thực để nói với bạn: tôi thường không thích chụp ảnh với đèn flash. Tôi thích dùng bất cứ ánh sáng tự nhiên nào có sẵn và vận dụng chủ thể để thực hiện các hiệu ứng về sau. Nhưng có những trường hợp sử dụng đèn flash là một kỹ thuật hữu ích, và có một số điều chúng ta cần biết để sử dung đèn flash cách tốt nhất.

Đèn Flash trên máy ảnh

Chúng ta đã xem qua nhiều thí dụ về việc tại sao không nên sử dụng đèn flash—chẳng hạn như những bức ảnh mà trong đó chủ thể đứng ngay trước một bức tường và ánh đèn flash tạo nên một cái bóng đen vô cùng tệ hại lấn át cả bức chụp. Nếu đèn flash được tích hợp trên máy ảnh, thì thường là khó mà tránh khỏi tình trạng như thế, nhưng có một số mẹo có thể hữu ích.

Di chuyển chủ thể khỏi hậu cảnh; càng xa ra khỏi một bề mặt có thể in bóng lại rõ ràng, kết quả sẽ càng tốt hơn. Khoảng cách giữa chủ thể và chiếc bóng sẽ không chỉ xác định kích thước của chiếc bóng mà con cả độ nét các đường rìa của nó nữa, do đó, khoảng cách càng lớn, bóng đổ sẽ càng mờ.

Trong một số trường hợp không thể thực hiện việc tách chủ thể ra khỏi hậu cảnh, thì không thể tránh khỏi có một chiếc bóng đằng sau chủ thể, và việc tốt nhất bạn có thể thực hiện vào những lúc đó là làm cho chiếc bóng càng mờ đi càng tốt. Hãy chụp ở một góc mà sẽ hắt bóng phía sau lưng chủ thể hơn là ngay đằng sau gương mặt, hoặc sử dụng cách hắt lại ánh đèn flash.

Bouncing Flash

Bằng cách di chuyển luồng sáng của đèn flash, bạn có thể làm cho nó phản chiếu lại, hoặc hắt lại, từ một bề mặt khác để thay đổi góc chiếu và chất lượng của nó đến chủ thể bạn chụp. Hiệu ứng hắt lại ánh sáng làm phát sinh một ánh sáng ít trực diện và ít gay gắt hơn, dẫn đến một hiệu ứng dịu đi với ít bóng đổ hơn nhiều. Như các bạn hay thấy người chụp hay hướng đèn rời lên trần nhà chẳng hạn.

Có thể dùng một mẫu bìa cứng đơn giản (hoặc ống đựng phim, đựng thuốc tây, v.v...) màu trắng đục để thay đổi góc chiếu của ánh sáng phát ra từ đèn flash bằng cách dùng nó bọc quanh đèn và tạo thành một kiểu hình ống tuýp nhỏ, có thể xoay qua xoay lại được. Điều chỉnh góc chiếu của đèn để hướng ánh sáng vào phía thích hợp—thường là một bức tường hoặc trần nhà có màu nhạt—rồi chĩa máy vào chủ thể để chụp.


Diffusing Flash


Một trong những vấn đề lớn nhất đối với đèn flash trên máy ảnh là ánh sáng chói do nó tạo ra; ánh sáng chói, như chúng ta đã đề cập ở trước, tạo ra những bóng đổ đậm khiến cho các bức ảnh mất đi tính hấp dẫn.

Chúng ta có thể xử lý vấn đề này bằng cách khuếch tán hoặc làm dịu bớt ánh sáng do đèn flash gây ra bằng một bộ khuếch tán của nhà sản xuất, hoặc có thể tự làm lấy. Việc này khá đơn giản, chỉ cần dùng một chiếc khăn tay hoặc một mẩu khăn giấy màu trắng mỏng đưa ra đằng trước đèn flash. Ánh sáng đi xuyên qua khăn tay hay mẩu khăn giấy sẽ giảm đi, hoặc bị phân tán, tạo ra ít bóng đổ và nhìn dịu hơn, thậm chí còn làm cho các vết nhăn nheo trên gương mặt của bà cô già khó nhận thấy hơn.


HIỆN TƯỢNG TIỀN CẢNH SÁNG NHƯNG HẬU CẢNH LẠI TỐI ĐEN

Một kịch bản xấu khác về ánh đèn flash mà chúng ta ai cũng từng trải qua, đó là “tiền cảnh sáng, hậu cảnh tối đen” (“bright foreground, black background"), trong đó chủ thể được chụp chính xác nhưng hậu cảnh lại hoàn toàn thiếu sáng và tuyền một màu đen. Một người bạn của tôi đã hoàn thành một cuốn album toàn những bức ảnh như thế. “This is Margaret in Paris,” và “This is Margaret in Rome” v.v... Tất cả các bức ảnh đều trông như nhau—những bức chụp Margaret với hậu cảnh tối đen.

Nguyên nhân thật đơn giản: tốc độ chụp quá nhanh. Đèn flash luôn phát ra đủ ánh sáng để chụp chủ thể một cách chính xác, nhưng màn trập lại mở-đóng quá nhanh không kịp để cho ánh sáng chung quanh hậu cảnh được bắt dính.

Cài đặt tốc độ chụp ở mức thấp tương ứng với tốc độ ăn đèn sẽ giúp giải quyết được vấn đề. Đèn flash sẽ “đóng băng” chủ thể trong khi độ trễ của màn trập sẽ để cho có thêm ánh sáng chung quanh lọt vào ống kính. Bắt dính ánh sáng chung quanh giúp cho hậu cảnh xuất hiện chi tiết hơn trong bức chụp.

Có thể sử dụng tốc độ chụp chậm là 1/15 giây hoặc thậm chí thấp hơn, tuy nhiên, nếu bạn không muốn có nguy cơ làm nhòe các phần chung quanh cảnh chụp, bạn phải cố định máy ảnh (ví dụ, bằng giá ba chân). Hãy thử nghiệm, và nhìn xem những kết quả bạn có thể có được. Nếu lần đầu tiên không hiệu quả, hãy xóa bức ảnh và thử lại lần nữa bằng cách dùng một tốc độ chụp khác.

Đèn Flash rời

Ngay cả khi máy ảnh KTS mới của bạn có một đèn flash được tích hợp sẵn, thì cũng đáng cân nhắc để mua thêm một bộ đèn flash rời. Việc này sẽ giúp cho việc chụp ảnh với đèn flash của bạn được linh động hơn. Hiện có quá nhiều loại đèn như thế trên thị trường nên khó lòng kể ra được hết, nhưng một bộ đèn flash chất lượng cũng đáng để bỏ tiền ra mua.

Nhiều hãng sản xuất loại máy ảnh lớn hơn có sản xuất loại đèn độc quyền của họ, và nếu mua loại cùng nhãn hiệu với máy ảnh của bạn thì quá tốt. Một bộ đèn Flash dành riêng cho một loại máy ảnh cụ thể luôn cung cấp đầy đủ các tính năng lọt qua ống kính và đèn flash với các khả năng không dây/đa chức năng. Sở hữu một bộ đèn flash cao cấp, bạn sẽ có nhiều tùy chọn hơn, khi phải tạo ra những trạng thái ánh sáng khác nhau.

Tôi thích loại đèn flash có thể tháo rời và đặt bên cạnh chủ thể để tạo một nguồn sáng, hoặc đặt vào những vị trí khác để tạo ra các hiệu ứng ánh sáng khác nhau. Nếu máy ảnh của bạn không có khe cắm đồng bộ hóa—mà phải cắm thông qua một dây cáp—thì vẫn có những cách khác để đèn flash hoạt động độc lập với máy ảnh. Có những thiết bị gắn vừa với ngàm trên máy ảnh và có thể được nối bằng một dây cáp hoặc được đồng bộ hóa để trở thành một đèn flash rời.

Còn có một loại thiết bị nhỏ với giá tương đối rẻ gọi là bộ đèn “nhại” (slave). Thiết bị điện tử này được kích hoạt bằng tiến trình kích sáng của đèn flash. Được gắn với bộ đèn flash rời, nó được đốt sáng khi được kích sáng từ một bộ đèn flash khác.

Nếu máy ảnh của bạn là loại có đèn flash tích hợp sẵn, thì chính đèn flash này có thể được sử dụng để kích sáng một đèn khác được gắn với bộ đèn “nhại”. Việc này giúp cho tận dụng thêm một nguồn sáng thứ hai được đặt bất cứ đâu tùy ý. Hiện nay, đa phần các hãng sản xuất có thương hiệu đều thiết kế tính năng không dây ấy trong hệ thống đèn flash của họ, mang lại đầy đủ chức năng tự động và không cần phải dùng đến dây nối. Sử dụng đèn flash rời theo cách ấy có thể có được vùng sáng nổi bật, hoặc hướng sáng chính-phụ, đưa thêm nhiều độ sâu vào cho bức ảnh của bạn.

Fill Flash

Trong những dịp hiếm hoi có ánh nắng mặt trời rực rỡ, độ sáng có thể khiến cho bức ảnh có quá nhiều khác biệt giữa các điểm sáng và tối. Các bức ảnh có thể có ánh sáng không đồng đều. Nếu chụp để lấy những vùng sáng, thì phần các vùng tối sẽ bị đen và không có chi tiết. Đây là lúc chúng ta cần dùng đèn flash bổ trợ.

Flash bổ trợ đơn giản chỉ là sử dụng thêm một đèn flash để có được nhiều ánh sáng cho các vùng tối. Kỹ thuật này giúp cho có được một bức ảnh đồng đều trong đó những điểm sáng cân bằng hơn với các vùng tối.

Để sử dụng Flash bổ trợ, trước hết chúng ta phải biết tốc độ máy ảnh D-SLR của chúng ta đồng bộ hóa với đèn flash như thế nào. Nếu đèn flash không được đồng bộ hóa thì sẽ ít hiệu quả.

Đa số máy ảnh D-SLR có một tốc độ đồng bộ hóa là 1/60 giây - 1/250s. Các tốc độ tương đối chậm được sử dụng với đa số máy ảnh để đồng bộ hóa với đèn flash có nghĩa là, để thực hiện được một phơi sáng chính xác, chúng ta cần phải cài đặt độ nhạy của cảm biến đến một ISO thấp hơn nếu không, toàn bộ bức ảnh sẽ bị quá sáng. Một khi tốc độ chụp được cài đặt với tốc độ đồng bộ hóa chính xác, bước tiếp theo là sử dụng tất cả các thông số phơi sáng.

Giả dụ như chúng ta có được thông số là 1/60 giây, khẩu độ f/11 và ISO 100; bấy giờ tất cả những gì chúng ta cần làm là cài đặt đèn flash với một cách biệt phù hợp và khẩu độ là f/8 (một ‘stop’ so với toàn bộ thông số phơi sáng). Việc này sẽ mang lại đủ công suất để “tác động” lên các phần tối, nhưng không hoàn toàn xóa bỏ chúng.


ĐEN TRẮNG

Đa phần máy ảnh KTS đều có chức năng cho phép bạn chụp ảnh trắng đen. Tuy đó là một tùy chọn, nhưng tôi muốn gợi ý bạn nên chụp các bức ảnh màu, rồi sau đó chuyển đổi chúng sang ảnh đen trắng trên máy tính, bằng cách sử dụng phần mền chỉnh sửa ảnh thich hợp. Việc này không chỉ mang lại cho bạn tùy chọn tái tạo ảnh bằng màu hoặc trắng đen mà thôi, song tôi nhận thấy rằng, việc chụp ảnh màu rồi sau đó chuyển sang ảnh trắng đen, thường làm cho các vùng tối nổi rõ chi tiết hơn bức ảnh được chụp đen trắng ngay từ đầu. Bạn chịu khó xem lại Chương Năm trong đó chúng ta có đề cập đến các lý do tại sao và cách để giải quyết.


CHẤT LƯỢNG ÁNH SÁNG

Nhiều người thường hỏi tôi, “Khi nào là thời điểm tốt nhất để chụp ảnh ?”

Đây là một câu hỏi mà quả thực là không chỉ có một câu trả lời; có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng việc có thể xác định được các điều kiện ánh sáng như thế nào, thì sẽ nắm được ưu thế vào các thời điểm khác nhau trong ngày—và biết cách sử dụng các điều kiện ánh sáng khác nhau ấy—là một trong những kỹ năng tuyệt vời nhất đối với nhiếp ảnh.

Những thời điểm tốt nhất để chụp ảnh thường là buổi chiều tà hoặc buối sáng sớm. Tuy nhiên, ngay cả khi mặt trời nằm ở vị trí thấp trên bầu trời vào hai thời điểm ấy trong ngày, thì tiến trình quang hợp vẫn tạo ra những màu sắc rất khác nhau vào hai lúc ấy. Quang hợp là phản ứng hóa học giữ cho hoa lá cỏ cây có được màu xanh tươi tốt dưới ánh nắng mặt trời. Nhưng những hạt bụi lơ lửng trong không khí cũng phản ứng lại với ánh nắng, trở thành một màu sẫm hơn, tuy không nhìn rõ, vào ban sáng.

Ánh sáng buổi đầu ngày rất trong, thứ ánh sáng trắng mang lại màu sắc tươi tắn và sống động. Buổi chiều tà hoặc ngay trước lúc trời tối mang lại một ánh sáng dịu dàng ấm áp hơn. Và vị trí thấp của mặt trời trong hai thời điểm ấy luôn gây ra những bóng đổ dài và sẫm màu. Tính chất của ánh sáng buổi chiều tà—thứ ánh sáng dịu dàng ấm áp, phân tán và càng lúc càng yếu dần—khiến nó trở thành một thời điểm lý tưởng để chụp ngược sáng. Bố trí chủ thể ra phía trước mặt trời và dùng một gương phản xạ hoặc một đèn flash bổ trợ nhỏ, bạn có thể có được những bức chân dung với những vùng bao quanh vàng rực mang lại một hiệu ứng vô cùng thoát tục.

Một cách rất hay để tự mình khám phá hiệu ứng ánh sáng vào các thời điểm khác nhau trong ngày là tìm đến một nơi phong phú cảnh sắc và chụp một vài bức ảnh vào buổi sáng sớm. Cũng chụp như vậy vào buổi trưa, và sau đó là buổi chiều. Hãy so sánh các bức ảnh và bạn sẽ tận mắt nhìn thấy cách mà ánh sáng thay đổi vào những thời điểm khác nhau trong ngày như thế nào.

Thời điểm trong ngày mà tôi không mấy ưa thích để chụp ảnh là buổi trưa. Mặt trời đạt đến vị trí cao nhất của nó nên gây ra những bóng đổ quá sẫm màu buộc bạn phải hạn chế. Ở đây, một lần nữa, đèn flash bổ trợ hoặc một cặp gương phản xạ có thể giúp giải quyết các bóng đổ do ánh sáng gay gắt tạo ra.

Những ngày mưa và u ám cũng có thể có được những bức ảnh tốt nếu biết cách sử dụng. Một rặng đá ven biển với những đợt sóng vỗ cũng có thể trở thành kỳ vĩ dưới bầu trời u ám đầy mây được dùng làm hậu cảnh. Một người đang nhìn qua cửa sổ dưới cơn mưa có thể gây nên nhiều cảm giác khác nhau. Ngay sau khi một cơn mưa giông vừa dứt, tôi thích thứ ánh sáng ló ra từ những đám mây đen khi chúng trôi đi. Những ló sáng như thế có thể làm sáng rỡ phong cảnh như những chiếc đèn lớn trên sân khấu.

Ánh sáng là sự sống còn đối với nhiếp ảnh, và việc tìm hiểu được cách ánh sáng vận hành ra sao vào các thời điểm khác nhau trong ngày, và đúng hơn, vào những thời điểm khác nhau trong năm, là một kỹ năng mà người ta phải nắm vững mới có thể trở thành một nhiếp ảnh gia thành công.

Đây là tóm kết một số thủ thuật cơ bản:

  • Vào buổi sáng sớm, khi mặt trời còn ở vị trí thấp trên bầu trời, ánh sáng đẹp và trong trẻo. Đây là một thời điểm tốt để chụp ảnh phong cảnh, do độ dài quá cỡ của các bóng đổ đưa thêm hiệu ứng 3D vào cho các bức ảnh bạn chụp.
  • Buổi trưa đứng bóng, khi mặt trời ở ngay trên đỉnh đầu, các bóng đổ đều ngắn và sẫm màu nên ánh sáng có thể trở nên rất tương phản. Việc chụp chân dung vào lúc này đặc biệt khó khăn bởi vì bạn phải sử dụng flash bổ trợ hoặc gương phản xạ để làm dịu đi hiệu ứng các bóng đổ.
  • Buổi chiều tà mang lại một ánh sáng ấm áp tán sắc cùng với những bóng đổ dài và nhạt màu. Đây là một thời điểm lý tưởng dành cho hầu hết mọi thể loại nhiếp ảnh.
  • Ánh sáng luôn năng động. Hãy lên kế hoạch cho việc chụp ảnh của bạn tương thích với ánh sáng càng nhiều càng tốt. Nếu nhìn thấy một hình ảnh như ý nhưng ánh sáng quá gay gắt, bạn hãy chờ cho đến khi các tình trạng được cải thiện. Rõ ràng những tình trạng ấy như thế nào, thì bức ảnh của bạn cũng sẽ như thế ấy.
  • Thời tiết “tốt” không nhất thiết là có ánh sáng tốt. Những ngày âm u làm ánh sáng dịu đi một cách dễ chịu và giảm bớt độ tương phản của nó, đồng thời các cơn bão cũng có thể tạo ra những hiệu ứng siêu thực hiếm hoi khiến nó biến thành một cảnh trí khác thường.


Cuối cùng, thiết bị là công cụ trong tay bạn sử dụng, kỹ thuật chỉ quan trọng ở mức độ là ta buộc phải làm chủ nó để truyền đạt những gì ta nhìn thấy. Kỹ thuật cá nhân của riêng ta phải được sáng tạo và thích ứng chỉ nhằm để làm cho tầm nhìn của ta đạt được hiệu quả trên tấm cảm biến của cái thiết bị ghi hình mà ta đang cầm nó.


Đang tải Screen Shot 2016-05-28 at 20.06.48.png…

Tin liên quan

CHAT ZALO
SHOWROOM
[x]

banner popup quảng cáo