Hơn hết, máy ảnh mirrorless (không gương lật) có tốt hơn DSLR không?
Nếu bạn là một người mới gia nhập vào thế giới máy ảnh có thể thay được ống kính thì chắc hẳn sẽ có những câu hỏi được đặt ra như vậy. Tuy nhiên, mỗi hệ thống của mỗi thương hiệu lại có những ưu điểm riêng. Chính điều này khiến bạn dễ nhầm lẫn và khó để tìm ra cái nào phù hợp cho nhu cầu của mình.
Để giúp bạn hiểu rõ hơn, trang Digi4U Camera sẽ giải thích tường tận thắc mắc máy ảnh mirrorrless là gì, từ cách nó hoạt động, cho đến kiểu dáng và nó khác gì so với DSLR.
Máy ảnh mirrorless là gì?
Như cái tên đã mô tả, máy ảnh mirrorless không có gương lật bên trong, một thành phần chính trong DSLR (viết tắt của cụm từ Digital Single-Lens Reflex). Gương bên trong DSLR sẽ phản chiếu ánh sáng đến ống ngắm quang học (optical viewfinder – OVF). Trong máy ảnh mirrorlesss, nó không có ống ngắm quang học. Thay vào đó, cảm biến hình ảnh sẽ được tiếp xúc với toàn bộ ánh sáng mọi lúc. Chính điều này sẽ giúp bạn xem trước những hình ảnh thực trên màn hình LCD nằm phía sau hoặc trên ống ngắm điện tử (electric viewfinder – EVF). Máy ảnh mirrorless được gọi là "không gương lật", thay vì gọi DSLR là "có gương lật" vì mirrorless là loại xuất hiện sau.
Bổ sung thêm: Trong thế giới máy ảnh có thể thay được ống kính còn có công nghệ gương mờ DSLT của Sony. Nó viết tắt cho cụm từ Digital Single-Lens Translucent. Hệ thống này vẫn có một gương lật như DSLR nhưng nó không phải là gương phản chiếu ánh sáng hoàn toàn mà là gương mờ.
Giờ đây, cụm từ "mirrorless" lại gây ra một chút bối rối. Nó không được sử dụng cho đến khi những chiếc máy ảnh không gương lật kỹ thuật số có thể thay được ống kính ra đời. Về cấu tạo, chiếc máy ảnh PnS (Point-and-Shoot) là một chiếc máy ảnh mirrorless, những chiếc máy ảnh rangefinder của Leica hay nhiều mẫu máy film cũ cũng tương tự vậy. Tuy nhiên, thuật ngữ "mirrorless" hiện tại đang sử dụng để mô tả những chiếc máy ảnh kỹ thuật số có thể thay được ống kính (ILCs) có hoặc không có EVF.
Nếu chúng ta đã có máy ảnh DSLR ở mọi mức giá khác nhau, tại sao phải tháo gương và tạo ra một loại máy ảnh mới? Lý do chính chỉ đơn giản là kích thước. Với việc không có gương chiếm không gian bên trong, những chiếc máy ảnh mirrorless hoàn toàn nhỏ hơn nhiều so với phần DSLR còn lại. Ban đầu, các hãng sản xuất định hướng dòng máy ảnh cho những mới bắt đầu và những nhiếp ảnh gia bình thường, tuy nhiên, ở hiện tại, công nghệ này đã được phát triển cho nhiều mục đích chuyên nghiệp.
Nếu bạn chưa rõ máy ảnh DSLR là gì hãy tìm hiểu bài viết sau: Máy ảnh DSLR là gì?
Tương tự như DSLR, những chiếc máy ảnh mirrorrless sử dụng ngàm kiểu lưỡi lê để gắn các ống kính khác nhau. Mỗi hãng lại có những kiểu ngàm độc quyền của mình. Tuy nhiên, nhiều hãng ống kính bên thứ ba cũng có thể sản xuất ống kính dựa trên những ngàm này. Ngoại lệ duy nhất chính là Micro Four Thirds (M4/3). Loại ngàm này được sử dụng bởi Panasonic, Olympus và một số những thương hiệu đặc biệt khác như hãng sản xuất drone DJI hay công ty sản xuất camera quay phim cinema Blackmagic Design. Các ống kính Micro Four Thirds có thể gắn trên bất kì máy ảnh nào sử dụng chung ngàm, bất kể là thương hiệu gì và tương thích gần như hoàn toàn.
Một trong những điểm khéo léo của máy ảnh không gương lật thay được ống kính chính là khoảng cách từ ngàm ống kính cho đến cảm biến (flange back distance) ngắn hơn nhiều so với DSLR. Điều này giúp bạn có thể gắn được hầu hết các ống kính từ những hãng máy ảnh DSLR bằng cách sử dụng ngàm chuyển. Các công ty như Fotodiox và Metabones đã bán ra nhiều loại ngàm chuyển cho các hệ thống máy ảnh mirrorrless. Chúng sẽ giúp bạn sử dụng bất cứ ống kính nào, từ các ống kính Canon cho đến những ống kính medium format từ thời xa xưa. Bạn sẽ phải hi sinh một chút hiệu năng khi thực hiện điều này, nhưng nó mang lại lợi ích rất lớn cho những nhiếp ảnh gia đã sở hữu một kho ống kính.
Cảm biến, tự động lấy nét (autofocus – AF), video và các thứ khác
Dù có hình thức nhỏ hơn nhiều khi so với DSLR, những chiếc máy ảnh mirrorless này vẫn có kích thước cảm biến bên trong tương tự. Canon và Nikon sử dụng cả cảm biến crop lẫn full-frame trên máy ảnh DSLR, và Sony cũng thực hiện điều như vậy với dòng máy ảnh mirrorless của mình. Các công ty như Fujifilm còn đi xa hơn khi không chỉ sử dụng cảm biến crop mà còn sử dụng loại cảm biến medium format, loại cảm biến còn to hơn so với full-frame. (Máy ảnh full-frame là gì?)
Dù những chiếc máy ảnh mirrorless đã nhỏ đi nhưng không đồng nghĩa rằng ống kính dành cho nó cũng như vậy. Một ống kính có tiêu cự 300mm trên máy ảnh DSLR full-frame thì cũng có kích thước tương tự như trên máy ảnh mirrorless. Không có cách nào để giúp giảm đi kích thước vật lý của ống kính. Tuy nhiên, kích thước cảm biến nhỏ hơn có thể giúp các ống kính nhỏ hơn một chút. Ví dụ, Micro Four Thirds có hệ số crop 2x so với full frame, vì thế, một ống kính 150mm sẽ cho góc nhìn tương đương 300mm trên full frame. Cảm biến càng to sẽ có chất lượng ảnh càng tốt. Đây là một sự đánh đổi.
Khả năng tự động lấy nét (autofocus) của những chiếc máy ảnh mirrorless thay đổi rất nhiều, phụ thuộc vào nhà sản xuất và ống kính được sử dụng với chiếc máy ảnh. Vì lý do này, rất khó để có thể khẳng định liệu máy ảnh mirrorless có lợi thế hơn DSLR trong việc lấy nét hay không. Ban đầu, chúng hoàn toàn không thể do sử dụng hệ thống AF nhận diện tương phản chậm hơn nhiều. Tuy nhiên, qua nhiều năm, chúng dần được cải thiện. Dù ở hiện tại, những chiếc máy ảnh mirrorless có hiệu năng lấy nét tốt hơn rất nhiều, thế nhưng, trang Digital Trends lại nhận thấy rằng DSLR thường có hiệu năng nhất quán hơn, đặc biệt là trong điều kiện thiếu ánh sáng hoặc khi theo dõi các đối tượng chuyển động.
Trong tương lai, các máy ảnh mirrorless có thể vượt qua DSLR trong hiệu năng lấy nét, thế nhưng, thời lượng pin của chúng lại rất ngắn. Do phải sử dụng cảm biến liên tục cùng với LCD hoặc EVF, những chiếc máy ảnh mirrorless tiêu tốn nhiều pin hơn so với DSLR. Nó có thể được cải thiện trong tương lai, tuy nhiên, với việc có thể hoạt động cả ngày, DSLR vẫn lợi thế hơn so với mirrorless đối với nhiều nhiếp ảnh gia, đặc biệt là những người chụp thể thao hoặc các sự kiện trực tiếp khác.
Tuy nhiên, khi đề cập đến video, các chiếc máy ảnh mirrorless chiếm ưu thế hoàn toàn. Trong chế độ video hay ở chế độ live view, DSLR sẽ phải sử dụng màn hình LCD thay vì OVF. Chính điều này khiến lợi thế về pin sẽ không còn nữa và ống ngắm dần trở nên vô dụng. Trong khi đó, EVF trên máy ảnh mirrorless vẫn có thể sử dụng được trong chế độ video. Hơn nữa, các công ty sản xuất máy ảnh mirrorless, đặc biệt là Sony và Panasonic, thường có xu hướng chủ động hơn trong việc xây dựng và phát triển các tính năng video cao cấp cho dòng máy ảnh của họ. Còn với Canon và Nikon, họ không hề tập trung vào các tính năng quay video trên các chiếc DSLR.
Nâng cấp và phụ kiện
Dù các chiếc máy ảnh mirrorless mới hơn so với DSLR, thế nhưng, chúng không hề thiếu các phụ kiện bổ sung. Hầu hết các hệ thống mirrorless đều có phụ kiện rất phong phú. Tất cả đều có nhiều tùy chọn ống kính. Nhiều mẫu máy ảnh (dù không phải tất cả) đều có chân hot shoe để gắn đèn flash bên ngoài, hay các mẫu cao cấp đều có tùy chọn mua thêm grip, tương tự như nhiều máy DSLR, nhằm cải thiện tư thế cầm máy và kéo dài tuổi thọ pin.
Ngoài ra, khi xét đến ánh sáng trong các studio chuyên nghiệp, chúng vẫn thường hỗ trợ rộng cho DSLR hơn mirrorless. Tuy nhiên, điều này cũng dần đã thay đổi khi các công ty sản xuất thiết bị ánh sáng đang dần cập nhật các thiết bị phát sóng không dây (wireless transmitters) để có thể hoạt động với nhiều thương hiệu hơn. Trong tương lai gần, các máy ảnh mirrorless có thể đọ sức "một chín một mười" với DSLR trong thị trường phụ kiện.
Kết luận
Các máy ảnh mirrorless vốn dĩ không tốt hơn hay tệ hơn máy ảnh DSLR, dù chúng cũng có một vài ưu điểm ở một số mảng (ví dụ như video) và những nhược điểm ở vài mảng khác. Cuối cùng, hãy chọn loại máy ảnh phù hợp nhất với nhu cầu của bạn, bạn muốn chụp vui vẻ trong các kì nghỉ gia đình hay các buổi chụp ảnh chuyên nghiệp. Những chiếc máy ảnh mirrorless, đặc biệt là các chiếc máy nhỏ gọn, thường là lựa chọn tuyệt vời cho các nhiếp ảnh gia bình thường không yêu cầu quá nhiều bởi thời lượng pin ngắn và muốn dễ dàng mang theo. Đối với nhu cầu cao hơn, bạn cần xét nhiều khía cạnh hơn, nhưng bạn cần suy nghĩ kĩ nhu cầu của mình trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.