Chụp ảnh đẹp với máy PnS

Đã lâu rồi, phong trào chụp ảnh bằng dSLR phát triển, vì vậy máy ảnh "nhắm và chụp" (PnS) dần dần đi vào quên lãng. Thậm chí gần đây khi điện thoại (máy ảnh có chức năng alo) có gắn camera chất lượng cao và độ phân giải lớn xâm nhập vào đời sống thì nó đẩy các máy PnS dần đi vào dĩ vãng. Tuy vậy, với công nghệ ngày càng phát triển, thì khoảng cách giữa PnS và dSLR ngày càng thu hẹp, và trong một số trường hợp thì để đạt được các bức ảnh có chất lượng của PnS, các chủ máy dSLR sẽ phải đầu tư một số tiền không nhỏ. Dưới đây là một số thủ thuật để bạn có thể chụp đẹp hơn

 

 

 

Chế độ chụp tự động (Auto Mode) trên máy ảnh thực ra là con dao 2 lưỡi. Chế độ này hoạt động rất tốt nếu bạn chụp trong điều kiện ánh sáng ban ngày hoặc trong phòng sáng trưng đèn nên rất nhanh chóng và tiện lợi để có được tấm ảnh ưng ý mà bạn ít phải cân chỉnh gì. Tuy vậy, chế độ Auto này cũng có thể là sức ì khiến bạn không phát huy được tính sáng tạo của mình cũng như khó có thể chụp được những tấm ảnh đẹp nhất và thể hiện đúng ý đồ về ánh sáng, hiệu ứng ảnh như mong muốn.

 Mặc dù mỗi loại máy ảnh có cách đặt tên khác nhau nhưng bạn có thể chọn các chế độ tương ứng bằng cách chuyển sang chế độ "Scene" (hoặc ký hiệu tương tự như vậy) để chọn chế độ chụp phù hợp trên menu màn hình. Vài máy ảnh đặt những chế độ thường dùng nhất trực tiếp lên vòng xoay điều chỉnh.


Bất kể máy ảnh nào, thậm chí cả máy ảnh ngắm chụp rẻ tiền nhất cũng có vài chức năng chỉnh sửa ảnh nằm ẩn bên trong trình đơn (menu). Máy ảnh tầm phổ thông nhất cũng có vài chế độ định sẵn (thường sách hướng dẫn kèm theo gọi là "scene"). Các chế độ này đã chỉnh sẵn mọi thiết lập cho từng môi trường cụ thể nào đó và thường cho ảnh đẹp hơn so với chụp ở chế độ Auto. Và nếu bạn sử dụng máy ảnh ống kính rời (SLR - single-lens reflex) hoặc một máy ảnh có khả năng điều chỉnh thủ công thì bạn hoàn toàn có khả năng "luyện" tay nghề lên một cấp độ mới, "cao tay" hơn hẳn so với chụp tự động.

Vậy chế độ chụp định sẵn hoặc chụp chỉnh thủ công sẽ cải thiện được chất lượng ảnh đến mức nào? Cách thử nghiệm: mỗi cảnh chụp vài tấm ở các chế độ khác nhau gồm: Auto, chế độ định sẵn tương ứng và chỉnh thủ công. Trong hầu hết trường hợp, chụp với chế độ định sẵn cho chất lượng ảnh tốt hơn nhiều so với chế độ Auto. Trong vài trường hợp, chỉnh thủ công cho kết quả tốt hơn (hoặc khác biệt hoàn toàn) so với chế độ định sẵn.

Các thử nghiệm dưới đây sử dụng máy ảnh Canon PowerShot S90 - sản phẩm được đánh giá cao trong dòng máy ngắm-chụp. Máy cho chất lượng ảnh tốt, có nhiều chế độ định sẵn, có thể chỉnh thủ công khẩu độ, điểm lấy nét và dĩ nhiên là có chế độ chụp Auto. S90 cũng có ống kính góc rộng với khẩu f/2.0 và xử lý ISO tốt đối với dòng máy ống kính liền thân máy. Những đặc điểm này giúp S90 có thể chụp ở tốc độ nhanh, có được hiệu ứng trường ảnh rõ rệt và chụp cảnh thiếu sáng tốt.

Chụp chân dung (Portrait)

 


Thường chế độ chụp chân dung là tùy chọn đầu tiên trong menu của máy ảnh. Chế độ này được cân chỉnh sẵn để chụp nhân vật chỉ lấy phần đầu và vai. Phần lớn trong chế độ này, máy ảnh sẽ nhận diện gương mặt, lấy nét vào đó và cân chỉnh màu sắc nhằm cải thiện màu da người.

Trong nhiều máy ảnh mới xuất hiện gần đây, chế độ Auto thậm chí mặc định lấy giá trị của chế độ Portrait này nếu máy ảnh nhận diện được một gương mặt (hoặc nhiều gương mặt) khi bạn ngắm chụp.

Trong chế độ chân dung, máy ảnh cũng cố thu hẹp trường ảnh phía sau chủ thể. Điều này có nghĩa máy ảnh lấy nét ở gương mặt và làm mờ cảnh nền phía sau, giúp người xem tập trung vào gương mặt hơn so với các vật thể ở xa.

Trừ khi bạn chụp chân dung trong điều kiện ánh sáng mạnh như chụp dưới ánh nắng, còn không máy thường tự động bật đèn flash. Điều này giúp ảnh hiện được mọi chi tiết trên khuôn mặt. Tuy vậy, khi bật flash, máy ảnh thường phải giảm cường độ đánh đèn để tránh bị dư sáng cho chủ thể.

Qua 3 ảnh thử nghiệm về chụp chân dung, ở chế độ Auto, đèn Flash thường đánh quá dư sáng khiến khuôn mặt sáng gắt hơn thông thường. Chuyển sang chế độ Portrait, ảnh trông đẹp hơn nhiều với ánh sáng đèn vừa đủ và màu da mượt mà hơn.

Chuyển sang chế độ chỉnh thủ công, tắt flash và cố tận dụng ánh sáng tự nhiên bằng cách mở lớn khẩu độ và giảm tốc độ. Kết quả là ảnh trông tự nhiên hơn và tinh tế hơn. Dù vậy, chế độ Portrait nhìn chung cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ về ảnh chân dung.













Chụp cận cảnh (Macro)

Trong chế độ chụp cận cảnh, máy ảnh lấy nét ở cự ly ngắn nhất có thể khi bạn muốn chụp những vật thể nhỏ hoặc lấy được những chi tiết nhỏ nhất với độ nét cao nhất. Qua vài ảnh thử nghiệm chụp ở chế độ này, kết quả rút ra là để có được ảnh cận cảnh đẹp nhất thì bạn nên tự điều chỉnh và nên sử dụng chân máy.

Trong chế độ Auto, máy ảnh sẽ “tự ý” lấy nét ở trước hay sau đối tượng bạn muốn chụp vì thế nhiều chi tiết ở phần bạn muốn chụp lại bị mất nét. Chế độ Auto cũng đẩy giá trị độ nhạy sáng ISO lên đến 640, sử dụng thiết lập khẩu độ f/4.9 và tốc độ 1/250 giây.

Với ISO cao như vậy, sử dụng tốc độ chụp nhanh bạn sẽ tránh rung tay khi không dùng chân máy hoặc chụp vật thể đang di chuyển. Tuy nhiên, tốc độ càng nhanh và ISO càng cao cũng đồng nghĩa với việc hình ảnh ít chi tiết hơn nếu ta muốn cắt xén lại và thu nhỏ kích thước ảnh.

 


Khi chuyển sang chế độ chụp cận cảnh (Macro) trên máy, hình ảnh cải thiện rất nhiều so với chụp ở chế độ Auto. S90 điều chỉnh lấy nét rất tốt và giữ cùng thiết lập về khẩu độ nhưng giảm ISO xuống còn 320 và giảm cả tốc độ xuống còn 1/125 giây.

Với chỉnh thủ công, chuyển sang lấy nét theo điểm để cố định điểm lấy nét trên bề mặt kim loại của đồng hồ cho hình ảnh sắc nét hơn; đóng khẩu độ lại còn f/8.0 và chụp với độ nhạy ISO thấp hơn nhiều, chỉ ở 80; tốc độ 1/13 giây.

Việc kết hợp thiết lập ISO thấp, khẩu độ nhỏ và tốc độ chậm giúp ảnh thể hiện được nhiều chi tiết hơn, thậm chí điều này cũng giúp tấm ảnh ít bị nhiễu hạt trong trường hợp bạn muốn thu nhỏ kích thước ảnh.

Dù vậy, điều đáng chú ý là thiết lập thủ công trong trường hợp này chỉ thích hợp để chụp cận cảnh vật thể tĩnh vì tốc độ chậm, nếu chụp vật thể chuyển động thì ảnh sẽ bị nhòe. Nếu bạn cần chụp cận cảnh vật thể chuyển động, hãy chuyển sang chế độ Macro sẵn có của máy, chế độ này tốt hơn so với chỉnh thủ công.


Chụp cảnh đêm (Night Scene)

Chế độ Night Scene được cân chỉnh để chụp ảnh phong cảnh hoặc cảnh thành phố về đêm, lúc mà bạn không có được ánh sáng trời. Thông thường, bạn cần có chân máy khi chụp ảnh dạng này. Tùy vào máy ảnh của bạn, chế độ Night Scene có thể sử dụng tốc độ chậm, nghĩa là hình ảnh sẽ dễ bị mờ nếu bạn cầm máy trên tay để chụp.

Với chế độ Auto, hình ảnh không đẹp. Máy ảnh nâng ISO đến 800, mở khẩu độ rộng f/2.0 và có tốc độ khá nhanh: 1/15 giây. Do vậy hình ảnh mất đi độ chính xác màu và chi tiết. Máy ảnh cũng tự đánh đèn flash, do đó vùng phía trước ảnh bắt sáng, phản chiếu vào sương và đánh ngược trở lại máy ảnh.

Kết quả khi chuyển sang chế độ Night Scene vẫn gây nhiều thất vọng. Mặc dù máy ảnh điều chỉnh đúng tốc độ, giảm còn 1/2 giây và sử dụng ISO thấp hơn là 160 nhưng đèn flash vẫn đánh trong khi khẩu độ vẫn giữ nguyên ở f/2.0. Kết quả là hình ảnh gần giống như chụp ở chế độ Auto.

 

Trong khi đó, với điều chỉnh thủ công, hình ảnh trông rất khác biệt so với 2 chế độ trên. Không dùng đèn flash để tránh bị phản chiếu. Tiếp đến, để tăng độ chi tiết, chuyển sang ISO ở 100 và sử dụng tốc độ rất chậm, ở 6 giây. Tốc độ chậm cũng khiến mặt nước trông mượt mà hơn trong khi ISO thấp giúp cho màu sắc chính xác hơn. Tốc độ chậm còn cho phép mở khẩu độ ở f/5.6, làm tăng trường ảnh trong khi vẫn bắt được nhiều ánh sáng để cho tấm ảnh có được bố cục đẹp.

 

Chân dung đêm (Night Portrait)


Mặc dù nghe giống với chế độ chụp cảnh đêm nhưng chế độ chụp chân dung ban đêm lại hoàn toàn khác. Chế độ này được cân chỉnh để vừa có thể lấy được người phía trước và cả cảnh đêm phía sau. Nếu cân chỉnh tốt, một tấm ảnh chân dung chụp đêm sẽ thể hiện được 2 yếu tố này. Chế độ chụp này khá hữu ích cho những người thường đi thăm thú đây đó vì nó rất tiện để chụp được những tấm ảnh cho người thân, bạn bè ban đêm ở một vùng xa lạ mà vẫn lấy được cảnh vật phía sau.

Máy ảnh xử lý chế độ này theo nhiều cách khác nhau. Nhưng nhìn chung, máy ảnh đều sử dụng đèn flash để làm sáng chủ thể phía trước trong khi giảm tốc độ để bắt được khung nền phía sau bằng ánh sáng tự nhiên.

Một cách xử lý khác là không dùng đèn flash và chụp liên tục vài ảnh ở các khẩu độ khác nhau rồi sau đó kết hợp các ảnh lại để tạo một ảnh đủ sáng.

Máy ảnh sẽ sử dụng những ảnh dư sáng trong loạt ảnh đó để làm rực các chi tiết ở những vùng tối và cả những chi tiết trong vùng có ánh sáng đèn. Trong cả hai cách xử lý này ở chế độ chụp chân dung đêm, đôi khi bạn cần chụp với chân máy hoặc kê máy lên một điểm tựa cố định nào đó.

Qua thử nghiệm, chế độ Auto rất khó có thể bắt được những chi tiết ở cảnh nền. Vì đèn flash quá mạnh và tốc độ chụp hơi nhanh (1/30 giây) nên ảnh chỉ sáng được những chủ thể phía trước. Ví dụ như biển hiệu "Pier 28" phía sau ảnh thử nghiệm khó nhận ra được khi chụp ở Auto.

Với chế độ Night Portrait của S90, máy sử dụng đèn flash, mở khẩu độ ở f/2.2 và giảm tốc độ còn 1/8 giây. Hình ảnh ở chế độ này tốt hơn nhiều so với để ở Auto khi thể hiện được chi tiết cả ở phía trước lẫn cảnh vật phía sau và bạn dễ nhận ra được biển hiệu "Pier 28".

Máy ảnh cũng sử dụng ISO ở 500 để làm sáng tòa nhà và cây cầu ở cảnh nền, là những đối tượng mà đèn flash không thể đánh tới.

Còn khi tự điều chỉnh, dùng đèn flash để chiếu sáng chủ thể phía trước nhưng giảm ISO còn 320 và giảm tốc độ chụp còn 0,6 giây để lấy được cảnh nền và giảm bớt độ nhiễu cho ảnh; đồng thời, chụp ở khẩu độ f/5.6, trường ảnh sâu hơn, làm nổi rõ chi tiết cảnh nền.

Tuy vậy, khác biệt giữa điều chỉnh thủ công so với chế độ Night Portrait không nhiều. Hiệu ứng của tăng giảm khẩu độ sẽ dễ dàng nhận ra hơn khi bạn chụp với dòng máy DSLR và các máy ảnh có kích thước cảm biến lớn.

Khi điều chỉnh thủ công với thiết lập khẩu độ như trên, bạn sẽ thấy được đèn đường ở cảnh nền lóe lên dạng ngôi sao. Bạn cũng có được hiệu ứng như vậy bằng cách chỉnh khẩu độ nhỏ hơn khi chụp với bất kỳ ánh đèn nào.

Thêm chút kỹ năng và sáng tạo, bạn có thể tận dụng đèn flash để tạo cho chế độ chụp Night Portrait hiệu quả hơn: nếu máy ảnh của bạn có hỗ trợ, bạn có thể chỉnh cho cường độ đèn thấp xuống để tránh bị dư sáng cho đối tượng phía trước, hoặc thậm chí bạn đặt một tờ giấy hoặc vải phía trước đèn flash để giảm cường độ của nó.




Chụp hoàng hôn (Sunset)

Nếu may mắn được thấy một cảnh hoàng hôn tuyệt vời thì bạn sẽ muốn là ghi lại được khoảnh khắc ấy. Chế độ chụp hoàng hôn thực ra là chế độ chụp phong cảnh (Landscape), nghĩa là máy ảnh thiết lập tiêu cự ở vô cực và chỉnh khẩu độ nhỏ để có được góc nhìn rộng và mọi vật đều không bị mất nét.


Tuy nhiên, có một điểm khác giữa chế độ Sunset và Landscape là chế độ Sunset tăng thêm tông màu đỏ nên tạo cho màu sắc hoàng hôn thêm phần rực rỡ. Cách chỉnh sửa màu sắc này có vẻ hơi "ăn gian" nhưng kết quả rất mãn nhãn.

Chế độ Auto nhận diện chính xác khung cảnh thử nghiệm là chế độ phong cảnh và vì nó không cân chỉnh màu sắc nên hình ảnh giống như màu sắc bên ngoài. Nếu bạn muốn có được tấm ảnh màu sắc chính xác và chi tiết khi chụp hoàng hôn, hãy dùng chế độ Auto.

Chuyển sang chế độ Sunset, màu trời có chiều sâu hơn, nhìn kỹ sẽ thấy những sắc ngả đỏ hơi giả. Nếu bạn cảm nhận màu sắc ảnh như vậy đẹp hơn ở Auto thì hãy chọn chế độ này khi chụp.

Còn với chỉnh thủ công, để có một cảnh hoàng hôn ấn tượng mạnh hãy sử dụng những bộ lọc màu. Đóng khẩu độ còn f/8.0 để tăng trường ảnh và sử dụng tốc độ chụp từ trung bình đến nhanh. Tăng gam màu xanh dương, xanh lá, đỏ và độ tương phản để có được tấm ảnh đậm chất nghệ thuật.

Tùy vào thông số chọn lựa, ảnh trông sẽ rất khác biệt: đôi khi mọi thứ ngả sang màu vàng ấm, đôi khi tăng một chút màu xanh da trời, và thỉnh thoảng mọi thứ ngả sang màu đỏ hơi hồng.

Vài người khi xem qua các tấm ảnh chụp hoàng hôn ở 3 chế độ chụp này đều thích những ảnh chụp ở chế độ Sunset hơn. Màu sắc ở chế độ Sunset và chỉnh thủ công đều trông có vẻ giả tạo nhưng ở chế độ Sunset thì trông thực hơn.

Với cảnh chụp hoàng hôn, PCWorld Mỹ "chấm điểm" chế độ Sunset nhưng cũng tùy vào khung cảnh hoàng hôn cụ thể mà bạn nên chụp thêm vài ảnh sử dụng các chế độ màu sắc khác nhau mà máy ảnh bạn có hỗ trợ để có thể thấy được những khác biệt thú vị về các bộ lọc màu.




























Chụp ảnh chuyển động

Chế độ chụp ảnh chuyển động được phân loại theo tên và chức năng. Như để chụp cảnh chuyển động dạng lướt qua, chọn lựa tốt nhất là bạn chụp ở chế độ liên tục hoặc còn gọi là chụp Burst.

Ở chế độ này, màn trập sẽ nhảy liên tục, mỗi tấm ảnh là một khung hình trong chuỗi khung hình liên tục đó. Nếu trong một giây bạn chụp được càng nhiều khung hình thì tỉ lệ bạn có được tấm ảnh mong muốn sẽ càng cao.


Tuy vậy, điều không may là nhiều máy ảnh ngắm-chụp không hỗ trợ tính năng chụp liên tục. Hầu hết máy ảnh ngắm-chụp tầm phổ thông có một chế độ chụp tăng độ ISO để có thể lấy được nhiều ánh sáng và sử dụng tốc độ màn trập nhanh nhất để bắt đối tượng chuyển động.

 Cách này khiến bức ảnh dễ bị nhiễu hạt và bạn chỉ có một cơ hội bấm máy để có được tấm ảnh chuyển động ưng ý. Chế độ này thường được đặt tên là "Sports" hoặc "Action", và thỉnh thoảng vài máy ảnh gọi là "Anti-blur", "High Sensitivity" hoặc "Kids and Pets".

Vài máy ảnh cũng có chức năng tự động lấy nét chủ thể chuyển động, là máy "bắt nét" vật thể chuyển động đó. Chức năng này nhìn chung hoạt động rất tốt nếu chủ thể mặc quần áo sáng màu hoặc có màu sắc tương phản mạnh với môi trường xung quanh.

Trong thử nghiệm, chụp chuyển động nhanh giữa 3 chế độ: Auto, chụp với cảnh định sẵn và chỉnh thủ công đều không có nhiều khác biệt. Chế độ Auto tự động chuyển tốc độ lên 1/500 giây và khẩu độ ở f/6.3 để giữ cho nền được rõ nét. Mặc dù áo thun và giày của chủ thể hơi bị mờ nhưng chế độ Auto cho hình khá tốt.

Tuy vậy, ở chế độ "Kids and Pets" trên máy S90 thử nghiệm lại chọn khẩu độ 1/320 giây và so với chế độ Auto, hình ảnh hơi mờ một chút và khi phóng lớn thì ảnh hơi bị mất nét, có thể thấy rằng chế độ lấy nét tự động khó bắt dính được đối tượng.

Với điều chỉnh thủ công, chỉnh tốc độ nhanh nhất có thể, chụp ở 1/1250 giây, bắt được đối tượng. Vì để tốc độ chụp nhanh như vậy nên hình ảnh sẽ hơi bị thiếu sáng nhưng rõ ràng là hình ảnh không bị mờ do mất nét và rung tay, và khi cắt xén, phóng to ảnh thì hình ảnh không bị nhiễu hạt do ISO.

Tuy vậy, khi chụp đối tượng chuyển động, không phải tấm ảnh nào "bắt dính" đối tượng, không bị mờ do chuyển động đều là ảnh đẹp. Trong những ảnh thử nghiệm trong bài, ta không thể nhận biết được đối tượng di chuyển nhanh như thế nào.

Bạn cũng có thể sử dụng vài phương pháp khác để chụp đối tượng chuyển động. Nếu máy ảnh bạn có thể chỉnh được tốc độ thì bạn có thể chỉnh làm sao cho đối tượng đang di chuyển trông như họ đang chuyển động nhanh.

Bằng cách giảm tốc độ và zoom gần vào và "lia máy" theo đối tượng, bạn có thể tạo được một vệt mờ phía sau đối tượng.

Đặt máy ảnh lên chân máy, ngắm vào một đối tượng đang chuyển động và chuyển sang tốc độ chậm cũng là một cách chụp cảnh giao thông về đêm rất tuyệt vời: cảnh nền trông rất sắc nét trong khi các dòng xe di chuyển tạo thành những vệt sáng chạy dài do đèn xe tạo ra. Áp dụng tốc độ chậm và chân máy cũng là một kỹ thuật phổ biến để chụp dòng nước chảy, lúc này bạn sẽ thấy bề mặt dòng nước rất mượt mà và bạn cảm nhận được tính "động" trong tấm ảnh.


Theo News.go.vn - PC World

nguồn xomnhiepanh.com - digibinh st

Bài viết khác

Bình luận

avatar
x
CÔNG TY CỔ PHẦN EHOME HÀ NỘI
Giấy ĐKKĐ số 0107498194 do Sở KH&ĐT TP Hà Nội cấp ngày 07 tháng 07 năm 2016.
Trụ sở chính: Số 14 Ngõ Chợ Khâm Thiên, P. Khâm Thiên, Q. Đống Đa, TP Hà Nội, Việt Nam
Địa điểm kinh doanh: 89 Trần Nhân Tông, P.Nguyễn Du, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: (024).39972546 Hot line : 0966.889.176
Email: kinhdoanh1@digi4u.vn - kinhdoanh2@digi4u.vn
Website: digi4u.net
Facebook chat - Hỗ trợ tư vấn
[x]

banner popup quảng cáo

Hãy chat với chúng tôi