Ở chuỗi các bài viết về thuật ngữ và từ chuyên ngành trong nhiếp ảnh mà Digi4u muốn gửi tới các bạn sau đây. Chúng tôi sẽ giải thích nghĩa của các từ ngữ đó để bạn có thể nắm bắt. Đây là điều cần thiết để bạn làm chủ chiếc máy ảnh của mình.
Các thuật ngữ và từ ngữ chuyên ngành nhiếp ảnh
AE lock - Khoá giá trị lộ sáng
AE lock là viết tắt của Automatic Exposure lock đây là từ thể hiện khả năng của máy khoá độ mở ống kính và độ nhạy sáng giúp cho việc chụp nhiều ảnh khác nhau với cùng một giá trị lộ sáng. Điều này đặc biệt quan trọng khi chụp toàn cảnh (panorama), các ảnh nối với nhau phải có cùng một giá trị lộ sáng
AF lock - Khoá tiêu cự
AF lock (Auto Focus lock) là tùy chọn cho phép giữ cố định cự ly canh nét khi chụp ở chế độ tự động. Bạn sẽ thường gặp tùy chọn này ở các dòng máy tự động
AF assist Lamp - Đèn hỗ trợ canh nét tự động
Đèn này thường nằm ngay phía trên ống kính, có tác dụng rọi sáng chủ đề định chụp trong điều kiện thiếu sáng do đó hỗ trợ hệ thống canh nét của máy ảnh (Các máy ảnh kỹ thuật số thường gặp khó khăn khi canh nét trong điều kiện thiếu sáng). Loại đèn này có tầm hoạt động ngắn thường không vượt quá 4 mét.
Ở một số dòng máy ảnh đắt tiền được trang bị đèn canh nét phát ra tia hồng ngoại thay vì phát ra ánh sáng nhìn thấy được. Các đèn này có tầm hoạt động xa hơn, và hỗ trợ canh nét tự động tốt hơn.
Aperture - Khẩu độ hoặc độ mở ống kính
Khẩu độ là một lỗ hổng trong ống kính thường được hình thành bởi các lá thép chồng lên nhau, khi các lá thép di động sẽ tạo ra độ mở lớn hay nhỏ cho khẩu độ. Giá trị của độ mở ống kính thường được biểu thị theo 3 cách: f/8, F8, 1:8 (ba cách biểu thị này thể hiện cùng một độ mở).
f là độ dài tiêu cự ống kính, A là đường kính của khẩu độ
Chúng tôi cũng có một bài viết riêng về thuật ngữ này, để có thể hiểu một cách chi tiết nhất các bạn hãy tham khảo: Tìm hiểu khẩu độ của ống kính máy ảnh
Aperture priority: Chụp ưu tiên khẩu độ
Hay còn được gọi với cái tên khác là độ mở ống kính, tùy chọn này cho ta quyền tự lựa chọn độ mở ống kính, tốc độ trập (shutter speed) sẽ do máy ảnh tính toán sao cho thu được ảnh có độ phơi sáng (exposure) phù hợp. Tùy chọn này giúp người chụp khi muốn kiểm soát vùng ảnh rõ (DOF: depth of field) hoặc tạo hiệu ứng đặc biệt (special effect)
Auto Bracketing Exposure - Chụp bù trừ mức độ phơi sáng
Thuật ngữ này dùng để chỉ chế độ chụp cho phép chụp nhiều ảnh tại một thời điểm trên cùng một cảnh, mỗi ảnh chỉ khác nhau về độ phơi sáng. Mức khác biệt về giá trị phơi sáng giữa các ảnh thay đổi từ 0,3 EV (exposure value) đến 2,0 EV.
Mức khác biệt này trên đa số máy đều có thể chọn được. Từ tự động (Auto) ở đây có nghĩa là máy sẽ tự động chụp 2 hay 3 hoặc 5 ảnh, trên một số máy người dùng còn có thể tự đặt số lượng ảnh chụp trên một lần bấm máy.
Chế độ chụp này rất hữu dụng khi người chụp không chắc chắn mức độ phơi sáng nào là phù hợp nhất là khi chụp các cảnh có độ tương phản cao
Barrel Distortion
Là hiện tượng các đường thẳng nằm ở rìa ảnh bị uốn cong ở giữa, nguyên nhân của hiện tượng này nằm ở thiết kế hình cầu của thấu kính. Hiện tượng này chỉ dễ nhận ra khi chụp ở góc rộng và có các đường thẳng nằm ở rìa ảnh. Đối với người chụp không chuyên nghiệp có lẽ không cần quan tâm đến hiện tượng này
CCD/CMOS sensor
Là bộ cảm biến ánh sáng nằm trong máy ảnh kỹ thuật số có tác dụng chuyển ánh sáng thu nhận từ môi trường bên ngoài sang tín hiệu điện tử. CCD bao gồm hàng triệu tế bào quang điện, mỗi tế bào có tác dụng thu nhận thông tin về từng điểm ảnh (Pixel)
Để có thể thu được mầu sắc, máy ảnh kỹ thuật số sử dụng bộ lọc mầu (color filter) trên mỗi tế bào quang điện. Các tín hiệu điện tử thu được trên mỗi tế bào quang điện sẽ được chuyển đổi thành tín hiệu kỹ thuật số nhờ bộ chuyển đổi ADC (Analog to digital converter).
Có hai loại bộ cảm biến ánh sáng phổ biến là: CCD (Charged Couple Device) và CMOS (Complimentary metal-oxide). Giá của CCD thường đắt hơn so với CMOS, nguyên nhân chủ yếu là do CCD đòi hỏi phải có dây chuyền sản xuất riêng trong khi có thể sử dụng dây chuyền sản xuất chip, bảng mạch thông thường để sản xuất CMOS
Chromatic Aberrations
Là hiện tượng xuất hiện viền màu tím xung quanh các vật thể chụp, hầu hết các máy ảnh bán chuyên nghiệp khi chụp các cảnh có độ tương phản cao đều xảy ra hiện tượng này.
Nguyên nhân của hiện tượng này do sự khác biệt về bước sóng của các loại ánh sáng màu do đó thấu kính trong máy ảnh không có khả năng hội tụ chính xác toàn bộ ánh sáng chiếu vào lên mặt phẳng tiêu cự. Mức độ nặng nhẹ của hiện tượng này phụ thuộc vào chất lượng của thấu kính mà cụ thể là mức độ tán sắc của thấu kính.
Để giảm bớt hiện tượng này các máy ảnh chuyên nghiệp được trang bị thêm một số thấu kính đặc biệt có chỉ số khúc xạ khác nhau nhằm tạo ra sự hội tụ chính xác lên mặt phẳng hội tụ (focal plane). Ngoài ra bạn cũng có thể xử lý hiện tượng này bằng photoshop
DOF (Depth of field) - Vùng ảnh rõ hay độ sâu ảnh trường
Cự ly khoảng cách mà các chủ đề hay sự vật hiện rỡ nét trong ảnh được gọi là vùng ảnh rõ hay chiều sâu ảnh trường (depth of field). Vùng ảnh rõ này thường nằm 1/3 phía trước tiêu điểm và 2/3 phía sau tiêu điểm. Khẩu độ đóng càng nhỏ (trị số f lớn) thì vùng ảnh rõ càng sâu, cảnh trước và sau tiêu điểm sẽ sắc nét hơn. Khẩu độ mở càng lớn (trị số f nhỏ) thì vùng ảnh rõ càng cạn, các cảnh phía trước và phía sau tiêu điểm (focus point) sẽ mờ đi.
Vùng ảnh rõ còn phụ thuộc vào:
- Khoảng cách giữa máy ảnh đến cảnh chụp (subject distance), càng gần thì vùng ảnh rõ càng cạn.
- Độ dài tiêu cự (focal lenth), tiêu cự càng nhỏ thì vùng ảnh rõ càng sâu. Ảnh chụp bằng ống kính 28mm độ mở ống kính f/5.6 sẽ có vùng ảnh rõ sâu hơn ảnh chụp bằng ống kính 70mm cùng độ mở ống kính.
Để có thể hiểu rõ về những tính năng của máy ảnh thì đây là những từ chuyên ngành, thuật ngữ nhiếp ảnh mà bạn cần phải nắm vững. Hãy tiếp tục theo dõi cùng Digi4u trong các phần tiếp theo về các từ thuật ngữ, chuyên ngành máy ảnh nhé.
Nguồn Tổng Hợp