Danh mục sản phẩm
Thiết bị truyền hình
Thẻ, Sạc, Pin, Túi, Balo, UV-Filters...
15-05-2019, 10:23 am
Máy ảnh large format hay còn được gọi là ông tổ của nghề nhiếp ảnh. Ở thời điểm hiện tại còn có rất nhiều con người hoài cổ, đam mê một thứ nghệ thuật tưởng như đã trôi vào dĩ vãng. Những con người yêu chụp ảnh phim giữa thời đại kỹ thuật số. Hãy cùng Digi4u đi ngược lại thời gian để tìm hiểu về ông tổ nhiếp ảnh large format với bài viết dưới đây nhé.
Không tính đến những thiết kế sơ khai nhất, máy ảnh Large Format luôn được xem là ông tổ của ngành nhiếp ảnh thời hiện đại. Bạn đã từng thấy ở đâu đó hình ảnh các nhiếp ảnh gia lúi húi bên cạnh một chiếc hộp to lớn, bên trên có trùm một chiếc khăn khổng lồ màu đen? Đó chính là máy ảnh Large Format đấy.
Large Format - ảnh khổ to - trước kia chẳng mang cái tên này. Dĩ nhiên, vì ở thời kỳ cực thịnh của nó, chúng ta chỉ có một khổ ảnh duy nhất mà thôi. Sau này khi những chiếc máy ảnh khổ nhỏ hơn ra đời, cái tên ấy mới xuất hiện để giúp người sử dụng phân biệt dễ dàng hơn.
Ngày nay, Large Format là thuật ngữ dành riêng cho máy ảnh dùng phim có diện tích từ 4x5 inch trở lên (102x127 mm), tức là gấp 16 lần một tấm phim 35 cổ điển (24x36 mm). Tuy nhiên, một cái đầu thiếu logic nhất cũng hiểu rằng chẳng ai mất công sử dụng một chiếc máy cồng kềnh cùng những tấm phim quá khổ, trong khi cùng là máy phim cũng có nhiều lựa chọn nhỏ gọn hơn rất nhiều.
Dân chuyên về nhiếp ảnh sẽ hiểu rằng diện tích tấm phim và cảm biến máy có quan hệ mật thiết với nhau, và nó quyết định rất nhiều đến chất lượng ảnh chụp. Miếng phim càng to bản, hình ảnh chất lượng càng cao, màu sắc thu được càng sâu, nước màu càng đẹp. Kể cả khi rửa ảnh ra khổ lớn như những bức tranh treo tường, chất lượng ảnh vẫn không hề giảm sút.
Large Format có thể cho ra chất ảnh phải nói là cực kỳ tuyệt vời, với độ phân giải vượt xa cả những cỗ máy DSLR hiện đại nhất hiện nay. Điều này hoàn toàn hợp lý, khi một chiếc DSLR Full Frame hiện tại có kích cỡ cảm biến chỉ ngang với phim 35 cổ điển mà thôi.
Vì bản chất khổ phim lớn nên máy ảnh Large Format tương đối khó sử dụng, đòi hỏi người chụp phải có kiến thức rất vững về ánh sáng. Hơn nữa, mỗi lần chụp cũng rất tốn thời gian để lắp đặt, căn chỉnh, không giống như các máy ảnh phim thông thường. Thế nên dù là một khái niệm ai cũng biết, không nhiều người có thể sử dụng, cũng như có đủ đam mê và kiên nhẫn để chịu đựng những "đau khổ" do Large Format gây ra, cả về thời gian lẫn tiền bạc.
Chơi máy phim, nếu bảo chỉ chơi máy chụp thì không hẳn. Nước ảnh đẹp, rõ nét thì nhiều máy DSLR kỹ thuật số hiện nay thừa sức làm điều đó. Cái mà những người chơi máy phim bị cuốn hút còn là cái thú chơi trong phòng tối, là cảm giác được tự tay rửa những thước phim do chính tay mình làm ra.
Bạn sẽ cần đến khá nhiều công cụ, nhưng quan trọng nhất là một phòng tối - là bất kỳ nơi nào không có ánh sáng lọt vào; và các loại hóa chất gồm thuốc hiện (Developer), thuốc giữ (Fixer - giúp film ổn định và không thay đổi khi tiếp xúc với ánh sáng), Photoflo - làm trơn phim âm bản, tránh đọng nước khi phơi.
Về cơ bản, quá trình tráng rửa ảnh phim Large Format cũng không có gì quá khác biệt so với một cuộn phim bình thường. Chỉ khác ở chỗ, phim Large Format được làm ở dạng thẻ phim, thay vì cuộn phim như bình thường. Chính vì thế, bạn sẽ cần đến khá nhiều khay đựng để trải phim vào đó, thay vì sử dụng một hộp đựng như với phim cuộn.
Quy trình bắt đầu như sau: Đầu tiên, đặt phim vào trong khay đựng nước - lưu ý: đặt chứ không phải trượt vào. Phim trước khi rửa rất dễ bị xước, và động tác trượt sẽ dễ khiến điều đó xảy ra hơn.
Ngâm tấm phim trong vài phút, đồng thời sử dụng đầu ngón tay, nhẹ nhàng lật từng mặt. Sau đó, đặt tấm phim vào khay đựng thuốc hiện (developer), và bắt đầu đảo đều khay. Bạn có thể rửa nhiều tấm cùng một lúc, nhưng tránh để chúng dính vào nhau.
Sau khoảng 13 phút (thời gian này sẽ khác biệt với từng loại phim, cần một sự tra cứu cẩn thận trước khi thực hiện), phim sẽ được đưa vào khay đựng nước trong 2 phút nữa, rồi được chuyển sang khay đựng thuốc giữ (fix).
Ngâm trong dung dịch này thêm 8 phút, rồi đưa phim qua khay đựng nước để rửa sạch hóa chất (bước này có thể thoải mái hơn về mặt thời gian, miễn là phim sạch).
Cuối cùng, nhỏ một ít dung dịch photoflo vào khay nước, ngâm ảnh trong 1 phút, rồi treo ảnh lên để phơi. Phim lúc này đã là âm bản, không còn bị tổn hại nếu bị ánh sáng chiếu vào nữa.
Phim sau khi tráng hóa chất có thể lưu lại trong album, hoặc scan để số hóa trên máy tính. Ngoài ra bạn có thể đưa nó qua máy rọi để rửa ảnh: ánh sáng từ máy rọi sẽ chiếu ảnh phim lên giấy, tạo ra một bức hình thực thụ.
Là một thú chơi có thể nói là cầu kỳ và thú vị, nhưng Large Format đã dần mất đi vị thế vốn có. Dù cho nước ảnh với chất lượng thật sự xuất sắc, nhưng nó tồn tại quá nhiều nhược điểm khiến cho đại đa số người dùng và các nhà sản xuất phải quay lưng.
Nhược điểm đầu tiên, và cũng là nhược điểm "chết người" nhất chính là kích cỡ của máy. Sở hữu cảm biến lớn khiến cho thân máy rất cồng kềnh, to nặng. Hơn nữa, chi phí để sở hữu Large Format là tương đối đắt đỏ so với nhu cầu, cả ở thân máy lẫn hệ ống kính hỗ trợ.
Trong khi đó, công nghệ giờ đã cho phép những chiếc máy Medium Format có thể lắp thêm lưng số (digital-back). Vậy là chúng ta có những tấm hình với độ phân giải chẳng thua kém quá nhiều so với Large Format, nhưng nhỏ gọn và tiện lợi hơn.
Large Format vẫn đem lại những trải nghiệm thú vị, nhưng phần đông cũng nhận định rằng những người yêu mến nó chỉ còn rất ít thời gian để trải nghiệm, trước khi Large Format được chuyển nơi ở vĩnh viễn vào viện bảo tàng.
Chúng ta vừa quay ngược lại thời gian để tìm hiểu về Large Format: ông tổ của ngành nhiếp ảnh. Hãy truy cập vào Digi4u.net để tham khảo thêm về các máy ảnh chuyên nghiệp và các máy ảnh du lịch khác nhé.
89 Trần Nhân Tông - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Điện thoại: (024).39413862 / (024).39413863