TẢN MẠN VỀ ÁNH SÁNG TRONG STUDIO.

Máy ảnh tốt là thứ không thể thiếu để chụp ảnh, dĩ nhiên là vậy, nhưng trong studio mà không có ánh sáng tốt thì máy ảnh và một đống lens xịn mấy cũng chỉ như ống bơ gắn thuỷ tinh. Vậy studio gắn đèn đóm như nào? Xin mời đọc tiếp.

 



Tác giả bài viết vẫn còn non và xanh, rất vui vẻ đón nhận các ý kiến đóng góp ở phần comment.


Có những loại đèn nào?

Strobe

Là đèn “flash”, bấm cò chụp thì nó mới nổ tạch một cái sáng loá, trong khoảnh khắc thôi và sau đó nó lại tối như cũ, không khác gì flash gắn trên máy trừ việc hàng này to và khoẻ hơn. Strobe rất phổ biến tại các studio, có độ sáng cao và gần như dùng được trong mọi thể loại chụp. Strobe có thể chia thành 2 loại:

- Monolight: đa số studio (thường là bình dân) sử dụng loại này, là loại strobe có bộ phận điều chỉnh công suất, nút bấm, blah blah nằm ngay trên thân đèn. Ưu điểm là có modeling light (một bóng dây tóc phát liên tục khi bóng strobe chưa nổ, có chức năng giúp máy ảnh lấy nét và thể hiện mẫu tác động của ánh đèn lên đối tượng chụp trước khi bấm máy), tính phổ biến cao nên dễ mua bán, dễ tìm đồ thay thế. Nhược điểm nhẹ là có bao nhiêu đèn, cần đi đến ngần ấy cái để set thông số, mỏi chân. Ngoài ra ai thích di chuyển nhiều sẽ ngại vì đèn này hơi to và nặng (hơn so với loại dưới).

- Pack-and-heads: loại strobe gồm một bộ phận điều khiển trung tâm (pack), dẫn ra nhiều đèn (head), nhỏ gọn hơn và không mất công di chuyển như monolight vì bạn chỉ cần sờ vào 3 cái núm ở pack là chỉnh được 3 đèn tương ứng rồi. Pack này có loại cũng là battery luôn, rất tiện cho việc đem ra chụp outdoor nơi không có ổ cắm. Nó nhỏ nhưng nhược điểm khá to là giá rất mắc, một bộ Acute của Profoto giá trên $4,000 và cũng không dễ dàng gì để đặt mua nhanh chóng từ VN. Đồ này rất bền nhưng cháy một bóng phát là khóc bằng tiếng Mán vì giá vừa chát mà lại không biết bao lâu mới ship về đến nơi. Không biết ở VN đã có hãng bình dân nào có pack-and-head chưa, ai biết xin chỉ giúp!

            


Continuous - đèn ánh sáng liên tục

Không cắc bụp như strobe, loại này sáng từ lúc bật cho tới lúc tắt, giống bóng Rạng Đông. Ở cùng một công (đơn vị Ws - oát giây) thì độ sáng của đèn này yếu hơn strobe (vì ánh sáng trải dài trên đơn vị thời gian dài hơn) và thường dùng trong quay phim, hay chụp sản phẩm cần thấy rõ tác động ánh sáng (trang sức, đồ ăn,…).

- Quartz - Halogen - Tungsten: chẳng biết gọi thế nào, tạm gọi là “dây tóc”, đèn này sáng khá mạnh, nhược điểm là toả nhiều nhiệt và nhiệt độ màu không ổn định, thường ở quãng 3200K - lệch khá xa với màu chuẩn 5500~5600K. Tuổi thọ đèn khá ngắn. Dùng cẩn thận không cháy mẫu, cháy nhà.

- Flourescent - huỳnh quang: nguyên lý phóng điện trong chất khí giống bóng đèn tuýp dài ở nhà. Độ sáng kém hơn, nhưng được cái nhiệt độ màu gần chuẩn và toả nhiệt ít hơn nhiều so với đèn sợi đốt. Một số hãng bán đèn Flourescent đơn giản là một cái đế gắn nhiều đui đèn và trên đó có nhiều đèn compact huỳnh quang công suất cao, xong! Bạn có thể dễ dàng tự chế một cái chụp ở nhà cho dzui.

- Led: làm từ một tấm gồm nhiều bóng led, công nghệ cao và tuổi thọ cao, màu chuẩn, mỗi tội đắt.

  



Có tên tuổi hãng nào nổi không?

Hàng nào cũng có phân khúc, xe máy Honda thì có Wave - Airblade - SH @, đèn cũng thế.

Cao cấp: Bowens, Profoto, Elinechrome, Einstein,… Ở VN mua được sẵn một số ít Bowens (SG, ở HN có bác nào phân phối hú cái nhé).Còn thì phải đặt và chờ ship từ bển về. Ưu điểm thì bền thôi rồi, chắc thôi rồi, chất lượng thôi rồi. Độ ổn định của các đèn rất cao, có thể tới cả chục năm vẫn đánh phè phè. Nhưng như đã nói về Profoto Acute ở trên, giá rất chát, và khó sửa chữa thay thế.

Trung cấp: Jinbei, Photon. Hà Nội giờ ngập tràn đồ Jinbei, nhưng đừng vội đánh giá thấp hàng TQ này nhé, hãng đèn ngon nhất của Tàu đó. Dạo qua một vòng một số diễn đàn ảnh trên TG thấy các bác Tây, nhất là người Đức (photozone.de) đánh giá khá cao Jinbei. Hãng này  cũng đã thiết lập mạng lưới phân phối khá dày, hệ thống sản phẩm khá đầy đủ và support tốt khi cần.

Bình dân: Solo,... những nhãn đèn này rất phổ biến bởi giá rẻ và dễ mua. Tuy nhiên xác định là có rủi ro hỏng hóc, độ ổn định không cao.


Xong chọn mua và lắp đặt thế nào?

Số lượng

Tuỳ nhu cầu chụp nhiều ít mà mua đèn ít nhiều tương ứng. Đồng ý là càng có nhiều đèn chụp càng thoải mái, nhưng cũng nên tiết kiệm tiền bạc, không gian và công sức. 4 đèn là đủ chiến cho các nhu cầu cơ bản phổ biến rồi. Ví dụ như tôi sẽ làm 4 chiếc strobe chụp thường và 3 chiếc continuous dành cho quay phim và chụp ảnh sản phẩm nhỏ.

Công suất

Càng to càng tốt, nhưng càng tốn điện. Studio nhỏ thì đèn 300W cân được tương đối rồi. Nếu khả năng tài chính cho phép thì nên chọn đèn công suất cao một chút, vì sao ư? Một em CBR150 phóng 60kmh sẽ bền máy hơn một em SuperCub phóng cùng vận tốc. Nếu mua đèn công suất to thì để ý chút đến khả năng điều chỉnh công suất càng chi tiết, càng nhỏ càng tốt, để tránh trường hợp set ở minimum rồi mà đèn vẫn sáng quá mức cần thiết.

Một kinh nghiệm hay là dù mua mấy cái cũng nên mua ở cùng một công suất, vì khi đó sẽ rất tiện không phải phân loại hay nhớ từng cái khi cất trữ, di chuyển, thay thế cho nhau dễ dàng. Lúc chỉnh đèn cũng chỉ cần để ý xem đèn này là công suất 1/8 hay 1/16, không phải tính toán mệt mỏi vì đã cùng 1 số GN rồi. Đầu óc nhẹ nhõm hơn dùng nhiều loại công suất khác nhau.

Treo đèn

Studio có trần cao vừa phải thì làm ray treo đèn. Cái ray này giúp không gian gọn gàng và trông chuyên nghiệp hơn, lại dễ set các vị trí đèn trên cao. Nhược điểm là tính di động kém hơn và vị trí đèn bị giới hạn trong khung ray (4*4m nếu nhớ không nhầm).
Ai thích mang đi mang lại, trần quá cao hay quá thấp thì dùng chân đèn, dễ dàng gấp xếp mang đi mang lại, mỗi tội tốn không gian nhiều hơn và khó set đèn vị trí cao.


Đồ đạc cần thiết đê!

Light modifiers

Đèn đóm chỉ như một cục đá to, thô, chính các dụng cụ điều chỉnh ánh sáng mới là dụng cụ để tạo nên những tác phẩm điêu khắc sáng tạo, tuyệt vời dưới bàn tay người thợ điêu khắc ánh sáng (là bạn). Để nói về đám này thì cần nhiều đất nữa, ở đây chỉ nên nói ngắn gọn là: mua hết đi rồi sẽ có lúc dùng, từ softbox, dù xuyên dù phản, tổ ong, snoot,… Chi phí cho đám này không hề hấn gì khi so với cả khoản đầu tư to mà lại đáng tiền và tạo cảm hứng nghịch ngợm ánh sáng cho bạn. Nếu vẫn xót thì ngoài softbox mua slg = slg đèn, còn lại cứ mua từ từ một cái thôi, thiếu thấy cần thì hẵng mua thêm. Chú ý tính tương thích của phụ kiện, hiện giờ Bowens và Jinbei cùng dùng chung ngàm S chuẩn (3 lỗ) khá là tiện để dùng đồ chơi.




Phông nền

Cyclorama là loại phông nền hiện đại, dùng trong các studio có không gian khá rộng rãi ở nước ngoài và mới có ở VN. Ưu điểm là độ bền rất cao, kích thước lớn. Nhược điểm là đắt và khó thi công, mới có ở TpHCM thôi còn ở HN thì hình như chưa có thì phải (bác nào có thì cho phép em qua chơi với).

Phông giấy (seamless paper) cho chất lượng lên hình tốt nhất, đa dạng màu sắc nhưng độ bền không cao, không cẩn thận cái là toạc rồi, chưa kể chụp mẫu còn đi lại, giày cao gót, phải thay khá thường xuyên.

Phông vải là loại phổ biến vì dung hoà được độ bền và chất lượng lên ảnh. Cuộn vào mang thêm hai chân một khung ngang là tha hồ tung tăng chụp đâu thì chụp rồi.

Thang

Không chỉ để leo trèo set đèn, lên góc chụp cao chụp xuống, mà có thể dùng làm đạo cụ chụp luôn.


Bình luận

avatar
x

Bài viết nhiều người xem nhất

Bài viết mới nhất

Facebook chat - Hỗ trợ tư vấn
youtobe
Youtube
zalo
Zalo (8h - 24h)
zalo
Zalo (8h - 24h)
facebook
Facebook (8h - 24h)
Hãy chat với chúng tôi